Người ta nói “đàn ông đi
biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới
đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.
Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT
CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào
tạo để trở thành thói quen.
Nhóm tình nguyện sau 3 tuần
bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua.
Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc
quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ
6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến
khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào
quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”. Tony đánh giá các bạn ở yếu tố
nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN.
ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ
luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi.
Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng
hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without
discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay
goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.
Nước Đức tạo nên chủ nghĩa
hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé.
Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của
mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của
họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa
với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45.
Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.
Nếu thấy người không có tính
kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây
Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào
cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn
xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua
cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ
qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone.
Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm
còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt
nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức
online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói
chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh
tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các
tài xế khác.
Tony nói sao anh để vậy thì
anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trị có mặt ở
nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên.
Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván
cả chục triệu.
Tony thấy doanh nghiệp vậy
thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu
nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim
trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do
công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh
sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước
vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng,
đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…
Trên đường về lại Sài Gòn,
anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi
Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà
máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không
thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật,
sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.
Nên các bạn trẻ, muốn có sự
nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN
LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h
sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục
là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học
phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là
chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói
chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân
mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng
vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành,
chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ,
mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật,
thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp
tiệm.
Bốn anh sáng lập viên nhà
máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới
giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi
ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ
tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn
mười ngàn hai chục.
Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài.
Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài.
Nguồn: Tony Buổi Sáng
Ảnh: Sưu tầm Internet
Ảnh: Sưu tầm Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét