Có một câu nói về giá trị bản thân trong cuốn sách “7 thói quen của bạn trẻ
thành đạt” mà Sean Covey đã viết: “Nếu như bạn có những thứ giúp chứng minh bạn
là ai, thì khi những thứ đó mất đi, bạn là ai?”
Chúng ta thường hay tìm kiếm những thứ bên ngoài để chứng minh bản thân
mình: quần áo, điện thoại, hàng hiệu, xe cộ, nhà cửa, công việc, gia thế…
Những thứ này là minh chứng hoàn hảo nói về một con người ở thì hiện tại
nhưng tất cả chúng lại là những thứ có thể mất đi. Bạn dùng chúng để chứng tỏ
mình, bạn có dám đảm bảo chúng sẽ tồn tại mãi mãi không? Một công việc tốt, một
tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một căn nhà tiện nghi… tất cả đều có thể
biến mất.
Và khi chúng mất hết rồi thì bạn là ai? Dùng vật chất để định nghĩa bản
thân mình là điều ngốc nghếch mà tuổi trẻ rất thường hay mắc phải.
Vật chất nhiều đến mấy cũng có thể mất đi còn trải nghiệm của bạn thì
sao? Hãy yên tâm rằng chúng là của bạn, luôn là của bạn, mãi mãi là của bạn,
chúng sẽ không bao giờ mất đi. Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị
bản thân, bạn sẽ nhận ra mình đặc biệt và quý giá hơn hết mọi vật phẩm trang
trí bên ngoài.
Hãy luôn tâm niệm rằng, cuộc sống thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn
mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó
ghép nên cuộc đời mình. Khi tâm niệm cuộc đời chỉ là cuộc trải nghiệm, bạn sẽ
không bị áp lực với mọi sự lựa chọn của mình trong đời, đó là một cuộc chơi,
không ai thắng và cũng không ai thua.
Suy cho cùng, ai rồi cũng đến lúc phải giã từ cuộc sống, người may mắn
hơn là người sống được nhiều hơn những người khác, sống nhiều hơn không có
nghĩa là sống lâu hơn nhưng là sống được nhiều khoảnh khắc hơn trong đời, như
Jean Jacques Rousseau nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm
nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”
Mục tiêu của thế hệ trẻ, có lẽ nên thay đổi ngay việc “sống sung sướng
hơn, đầy đủ hơn” thành “sống nhiều hơn, sống sâu hơn”, thế là đủ.
Làm thế nào để sống nhiều hơn? Cách duy nhất là hãy biến từng phút giây
bạn đang sống trở nên ý nghĩa hơn và giải pháp là không ngừng đặt bản thân vào
tâm thế sẵn sàng trải nghiệm mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Đừng ngại ngùng,
đừng lười biếng, đừng sợ hãi nữa!
Còn nếu bạn không biết cách làm thế nào để trải nghiệm và để thưởng thức
cuộc sống thì đây là câu trả lời dành cho bạn: hãy bắt đầu thay suy nghĩ bằng
hành động, thay lời nói bằng hành động, thay kế hoạch bằng hành động, hành động
ngay đi thôi.
Hãy ngưng nói, ngừng suy tính quá kỹ càng, ngưng nghi ngờ và sợ hãi mà
hãy bắt tay vào những hành động cụ thể. Như câu nói nổi tiếng của Steve Jobs:
“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” hay của Henry David Thoreau: “Những người
trẻ tuổi học sống thế nào nếu không phải là ngay lập tức thử trải nghiệm cuộc
sống?” Riêng tôi lại cực kì thích câu: “Nếu bạn thực sự muốn bạn sẽ tìm cách.
Nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do” của Jim Rohn.
Nếu không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?
Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động,
không ngừng đặt bản thân vào thế sẵn sàng, chủ động: đi những vùng đất mới, thử
những món mới, làm những điều mới, học những điều mới, quen những người bạn
mới… Bạn cần làm mọi cách để thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng
tốt.
Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do vì bạn không phải
một cái cây. Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước,
chất dinh dưỡng nhưng nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn.
Thế nên rễ mới tủa dài đi khắp nơi, vươn rộng và cành không ngừng vươn
cao. Bạn may mắn hơn cái cây bởi bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn,
thế thì tại sao bạn còn đứng yên?
Thoát khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên trong quá trình trải
nghiệm.
Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm
những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một
người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món
ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc
hàng ngày…
Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt
đầu trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng
những điều mới mẻ và thú vị.
Cái giá của trải nghiệm
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần trả đúng giá bạn có thể có được
được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó, tiền không phải là
thứ có giá duy nhất. Còn với trải nghiệm? Nếu bạn muốn có những trải nghiệm
đáng giá tất nhiên bạn cũng phải trả giá.
Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất
an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa nhưng đó chỉ là những cảm
xúc thoáng qua ban đầu mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đều tan biến
thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng và hài lòng.
Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ
cũ kĩ quen thuộc. Đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác
tuyệt vời hơn mà bạn chưa bao giờ ngờ tới, như khi đi đến một vùng đất mới bạn
có thể phát hiện ra những ý tưởng, những cơ hội kinh doanh đáng giá.
Bắt chuyện với một người lạ trên chuyến xe và khởi đầu cho một tình yêu
đẹp như phim; lạc bước đến một vùng đất đẹp như tranh mà chưa từng ai đặt chân
đến… tất cả những thứ này chính là món quà không ngờ dành cho những người dám
vượt qua sự sợ hãi ban đầu để dấn thân vào cuộc sống.
Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống
cho chính mình chứ không vì dư luận, vì xã hội, vì gia đình… hay bất cứ điều
gì. Chính vì thế bạn sẽ có nghe người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị
chửi mắng là ngu ngốc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu ngốc thật…
Không một ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều bởi lẽ với
trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Thế mà bạn vẫn muốn để tuổi trẻ trôi
qua mà không có chút trải nghiệm nào sao?
Đừng tìm kiếm xa xôi, kho báu của tuổi trẻ gồm thời gian và sức khỏe
đang ở ngay trong tay bạn đấy.
Hãy tận dụng nó đi! Ngay đi!
*Trích nội dung cuốn
sách Sống như ngày mai sẽ chết, tác giả Phi Tuyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét